I.Các dạng nghe kém Dạng nghe kém được phân loại dựa theo vị trí tổn thương của cơ quan thính: 1. Nghe kém tiếp nhận Nghe kém ở bộ phận thần kinh thường gọi là nghe kém tiếp nhận. Nó được xác định do tổn thương của tai trong (ốc tai) hay có thể do thần kinh thính giác truyền từ tai trong đến não. Nghe kém tiếp nhận thông thường không chữa và rất hiếm khi có thể điều trị được bằng thuốc. * Các nguyên nhân gây ra nghe kém tiếp nhận bao gồm: • Do di truyền. • Do nhiễm các virut như rubella, bệnh sởi, quai bị và cytomegalo virus. • Do các rủi ro trong quá trình sinh nở. • Biến chứng trong quá trình mang thai • Do tổn thương lâu dài khi tiếp xúc trực tiếp với các tiếng ồn quá lớn và được xác định như một dạng điếc nghề nghiệp. • Đã phẫu thuật như cắt bỏ u dây thần kinh thính giác. • Bệnh lý về hệ tuần hoàn. • Ngộ độc thuốc... 2. Nghe kém dẫn truyền Nghe kém dẫn truyền xảy ra khi mà âm thanh truyền từ ống tai ngoài vào màng nhĩ và các chuỗi xương con của tai giữa không đạt được hiệu quả. Thông thường nghe kém dẫn truyền có thể can thiệp bằng điều trị thuốc hay có thể phẫu thuật. * Một vài nguyên nhân dẫn đến nghe kém dẫn truyền: • Do di truyền (bẩm sinh), khi tai ngoài hay tai giữa không phát triển như bình thường. • Do trong ống tai ngoài có quá nhiều ráy tai hay có những vật thể lạ. • Do bị nhiễm trùng tai ngoài. • Có dịch thường xuyên ở tai hoặc tai giữa bị nhiễm trùng (viêm tai giữa). Bị thủng màng nhĩ. 3. Nghe kém hỗn hợp. Nghe kém hỗn hợp là khi bị tổn thương tai ngoài, tai giữa và tai trong (ốc tai) hoặc tại dây thần kinh thính giác. Các dấu hiệu nhận biết trẻ nghe kém như: - Bé không giật mình khi nghe những âm thanh lớn. - Không phân biệt được âm thanh đến từ đâu. Những trẻ 5, 6 tháng tuổi có thính lực bình thường thì thường quay đầu hoặc đảo mắt để tìm hướng âm thanh phát ra, ngược lại, với trẻ nghe kém thì không có biểu hiện này. - Bé 6 tháng tuổi vẫn không có biểu hiện, phản ứng gì với âm thanh. - Trẻ được một tuổi không có phản ứng với những câu đơn giản như: ba, bà, mẹ... - Trẻ 2 tuổi vẫn chưa bập bẹ được và chưa hiểu lời nói, có biểu hiện chậm nói. - Trẻ thường lúng túng khó định hướng được nguồn âm thanh, hay đứng gần TV, vặn âm thanh lớn, hay hỏi lại. - Trẻ ngại tiếp xúc với người lạ, không có dấu hiệu phát triển ngôn ngữ. II. Giải pháp can thiệp. Để hậu quả của việc trẻ mất thính lực bớt nặng nề, có 2 giải pháp can thiệp giúp trẻ có thể nghe lại âm thanh, tạo tiền đề tốt nhất cho trẻ phát triển lời nói và hòa nhập với cộng đồng, bao gồm: • Đeo máy trợ thính: máy trợ thính công nghệ kỹ thuật số, công suất cao được hiệu chỉnh theo thính lực cá nhân giúp trẻ nghe rõ âm thanh cuộc sống. Tất cả trẻ điếc bẩm sinh đều cần được đeo máy trợ thính để kích thích phản xạ âm thanh và hỗ trợ sức nghe. Nếu có thể, bạn hãy cho trẻ đeo máy trợ thính càng sớm càng tốt, vì độ tuổi vàng để bé phát triển ngôn ngữ là dưới 3 tuổi. Trên 3 tuổi không phải là không thể học nói nhưng sẽ mất nhiều thời gian và vất vả hơn rất nhiều cho chính bản thân bé, cho gia đình và cô giáo. • Cấy điện cực ốc tai: điện cực ốc tai là một thiết bị điện tử được đưa vào bên trong ốc tai, giúp đưa các tín hiệu âm thanh vượt qua các phần bị tổn thương của tai trong và truyền thẳng tới dây thần kinh thính giác. Hệ thống điện cực ốc tai được phát minh ra nhằm giúp đỡ những bệnh nhân điếc nặng - sâu có thể giao tiếp dễ dàng, tự tin sống một cuộc sống trọn vẹn bổ ích.
|