Cách nhận biết và đánh giá ngọc trai Những tiêu chí đánh giá chất lượng ngọc trai mà Viện Đá Quý Hoa Kỳ (Gemological Institute of America GIA) đưa ra gồm: 1- Kích thước: Kích thước ngọc trai dựa vào milimét. Nếu cùng chung các yếu tố, thì viên nào lớn hơn sẽ có giá trị hơn. 2- Hình dạng: Có 3 loại dạng chính ở ngọc trai và theo mức độ ưa chuộng từ cao đến thấp là hình cầu, hình đối xứng, hình uốn éo (baroque). Dạng đối xứng thường gặp như hình quả trứng. Dạng uốn éo là hình dạng không đều. 3- Màu sắc: Với ngọc trai nuôi, chú ý đến màu thân và sắc phủ nếu có. Màu thân là màu chính của viên ngọc, còn sắc phủ liên quan đến một hay nhiều màu trong mờ phủ lên thân viên ngọc (giống như trường hợp ửng hồng trên đôi má). Thành phần thứ 3 của màu là màu tán sắc (còn gọi là màu xà cừ hay màu cầu vồng). Khi hiện diện, các màu tán sắc này có vẻ di chuyển bên trên hay bên dưới bề mặt khi dịch chuyển viên ngọc. 4- Ánh: Là mức độ phản chiếu ánh sáng từ bề mặt viên ngọc. Thông thường, ánh càng mạnh thì viên ngọc càng có giá trị. GIA dùng các từ cực cao (excellent), cao (good) và trung bình (fair) để mô tả ánh ở ngọc trai nuôi. 5- Chất lượng bề mặt: Là các dấu vết bất thường hoặc tính không đều ở bề mặt viên ngọc. Các dấu vết gồm có các vết lồi, hốc, vết tưa, các đốm. Tính dễ thấy và không đều ảnh hưởng xấu đến giá trị. Rất ít ngọc trai có bề mặt hoàn toàn không có dấu vết. 6- Chất lượng lớp ngọc: Lớp ngọc còn gọi là lớp xà cừ, bao xung quanh nhân, gồm nhiều lớp mỏng tinh thể aragonit (cacbonat canxi) và chất sừng hữu cơ conchiolin. Lớp này càng dày và ánh càng mạnh, giá trị viên ngọc càng cao. 7- Tính phù hợp: Là mức độ đồng nhất hay phù hợp giữa các viên ngọc trong cùng một chuỗi hay một bộ nữ trang. Mức độ đồng nhất này đánh giá theo 6 tiêu chuẩn nêu trên.
|