NGHE KÉM Ở TRẺ EM - GIẢI PHÁP CAN THIỆP Theo nghiên cứu của Trung tâm Tai Mũi Họng TP HCM và Viện Tai Mũi Họng, khảo sát năm 2000-2001 tại 6 tỉnh trên cả nước, tỷ lệ điếc chiếm khoảng 6% dân số, tức là cứ 100 người có 6 người bị điếc. So với tỷ lệ trên thế giới (4,2%) đây là một con số khá cao. Ở trẻ sơ sinh, theo thống kê năm 2014, cứ 1.000 trẻ đẻ ra sống thì có một bé bị điếc. Tuy nhiên, các bà mẹ Việt Nam thường không quan tâm đến việc đánh giá định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề của trẻ mà chỉ quan tâm đến việc chữa bệnh khi vấn đề đã trở nên muộn I.Các dạng nghe kém Dạng nghe kém được phân loại dựa theo vị trí tổn thương của cơ quan thính: 1. Nghe kém tiếp nhận Nghe kém ở bộ phận thần kinh thường gọi là nghe kém tiếp nhận. Nó được xác định do tổn thương của tai trong (ốc tai) hay có thể do thần kinh thính giác truyền từ tai trong đến não. Nghe kém tiếp nhận thông thường không chữa và rất hiếm khi có thể điều trị được bằng thuốc. * Các nguyên nhân gây ra nghe kém tiếp nhận bao gồm: • Do di truyền. • Do nhiễm các virut như rubella, bệnh sởi, quai bị và cytomegalo virus. • Do các rủi ro trong quá trình sinh nở. • Biến chứng trong quá trình mang thai • Do tổn thương lâu dài khi tiếp xúc trực tiếp với các tiếng ồn quá lớn và được xác định như một dạng điếc nghề nghiệp. • Đã phẫu thuật như cắt bỏ u dây thần kinh thính giác. • Bệnh lý về hệ tuần hoàn. • Ngộ độc thuốc... 2. Nghe kém dẫn truyền Nghe kém dẫn truyền xảy ra khi mà âm thanh truyền từ ống tai ngoài vào màng nhĩ và các chuỗi xương con của tai giữa không đạt được hiệu quả. Thông thường nghe kém dẫn truyền có thể can thiệp bằng điều trị thuốc hay có thể phẫu thuật. * Một vài nguyên nhân dẫn đến nghe kém dẫn truyền: • Do di truyền (bẩm sinh), khi tai ngoài hay tai giữa không phát triển như bình thường. • Do trong ống tai ngoài có quá nhiều ráy tai hay có những vật thể lạ. • Do bị nhiễm trùng tai ngoài. • Có dịch thường xuyên ở tai hoặc tai giữa bị nhiễm trùng (viêm tai giữa). Bị thủng màng nhĩ. 3. Nghe kém hỗn hợp. Nghe kém hỗn hợp là khi bị tổn thương tai ngoài, tai giữa và tai trong (ốc tai) hoặc tại dây thần kinh thính giác.
|