Cỏ ngọt (Stevia, Sweetleaf, Candyleaf, Sweet herb of Paraguay) Cây cỏ ngọt Còn được gọi là Cỏ đường, Cỏ mật hoặc Cúc ngọt, có nguồn gốc ở thung lũng Rio Monday nằm về phía đông bắc của xứ Panama, Trung Mỹ. Vào thế kỷ XVI, các thủy thủ Tây Ban Nha đã từng đề cập đến sự hiện diện của loại thảo mộc nầy rồi. Nhưng phải chờ đến năm 1888, nhà thực vật học người Paraguay là Moises Santiago Bertoni mới phân loại và chính thức đặt tên gọi nó là Stevia rebaudiana Bertoni. Thổ dân Guarani ở Paraguay gọi cỏ nầy la Caá-êhê có nghĩa là Cỏ ngọt. Từ cả ngàn năm nay, họ đã dùng loại thảo mộc nầy để làm dịu ngọt các thức ăn thức uống có tính đắng, và cũng để chữa trị một số bệnh như béo phì, bệnh tim, cao áp huyết, v.v… Cỏ ngọt là cây đa niên bán nhiệt đới, thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Stevia rebaudiana Bertoni là một trong số 154 loại Cỏ ngọt thuộc giống họ Stevia. Cây cỏ ngọt mọc thành bụi, cao lối 75cm lúc trưởng thành. Thân, và cành tròn. Thân non có màu xanh, thân già màu nâu. Bản lá dài 5-7cm, có mép hình răng cưa. Hoa nhỏ màu trắng. Phấn hoa có thể gây dị ứng. Chất ngọt tập trung trong lá. Lá già, ở dưới thấp chứa nhiều chất ngọt hơn lá non ở phía trên cao. Chất ngọt trong lá giảm đi khi cây trổ hoa vào tháng 9. Trồng bằng cách nào? Hạt Stevia nên được ương trong nhà khoảng từ tháng 2 đến tháng 4. Tuy nhiên, cũng hơi khó, chỉ có kết quả lối 25% mà thôi. Stevia cũng có thể được giâm cành. Đem cây con ra trồng ngoài vườn khi trời bắt đầu ấm trên 10 độ C. Chịu ăn các loại phân chứa ít đạm 14-14-14, hoặc phân bón thông thường, như loại 4-12-8. Có thể trồng Cỏ ngọt trong chậu kiểng, và hái lá bất cứ lúc nào (nhớ chừa lại 1/3 số lá). Thu hoạch lúc mùa thu trước khi trổ hoa, lá có tỉ lệ chất ngọt stevioside cao nhất. Lá có thể được ăn sống, có vị hơi lợ lợ ngọt ngọt, phơi khô, sấy khô để bỏ vô trà, hoặc tán nhuyễn để dành thay thế các chất tạo vị ngọt. Cỏ ngọt được dùng để làm gì? Tại nhiều nơi trên thế giới, chất stevioside hay chiết xuất (extract) được dùng làm chất tạo vị ngọt thay thế các loại đường thường hoặc đường hoá học. Cỏ ngọt phơi khô, sấy khô có thể bỏ vô trà. Bột lá khô có thể trộn vô bột làm bánh để thay thế đường. Trung Quốc xem cỏ ngọt như một dược liệu thiên nhiên rất tốt để giúp làm giảm cân, ngon ăn và tiêu hóa tốt. Nhật Bản là quốc gia sử dụng cây cỏ ngọt nhiều nhất trên thế giới. Mỗi năm kỹ nghệ Nhật tiêu thụ từ 700 tấn đến 1000 tấn lá Stevia. Một số lượng lớn cần phải được nhập thêm từ Đại Hàn, Đài Loan và Trung Quốc. Bột lá khô dùng làm trà, có thể có vị ngọt gấp 30 lần hơn vị ngọt của đường cát. Dạng lỏng, là những dịch chiết có thể ngọt 70 lần hơn đường. Tốt nhất là bột tinh chất màu trắng trích từ lá Cỏ ngọt và có chứa chất rebaudioside A và stevioside. Ở dạng nầy, Stevia có vị ngọt gấp 300 lần vị ngọt của đường cát. Nhiều người cho rằng vị ngọt của Stevia thường để lại trong miệng cái hậu hơi đăng đắng. Cỏ ngọt không tạo calorie nên rất thích hợp để làm giảm cân. Cỏ ngọt không làm bợn răng, không gây sâu răng, bảo vệ vệ sinh răng miệng, và cũng giúp vào việc làm lành càc vết thương ngoài da. Bổ tim, lợi tiểu, làm giảm áp huyết ở những người bị cao máu, và đặc biệt nhất là đối với những người bị bệnh tiểu đường, cỏ ngọt trợ giúp tụy tạng trong việc tiết chất insulin. Các bệnh nhân thay vì dùng các loại đường hóa học như aspartame chẳng hạn, thì tốt hơn hết, họ nên dùng chất tạo vị ngọt thiên nhiên lấy từ Cỏ ngọt, vả lại nó cũng không làm tăng đường lượng lên. Từ 30 năm nay, các nhà khoa học Phù Tang đã hết lòng nghiên cứu các hoạt chất của Stevia, nhưng cũng không thấy có báo cáo nào nói lên tính chất độc hại hoặc tính gây ung thư của loại thảo mộc nầy cả. Thí nghiệm thực hiện tại đại học Maringa, Brazil cho biết chiết dịch lá Stevia có khuynh hướng giúp đem glucose vào trong tế bào, nhờ vậy đường lượng trong máu được giảm xuống đi phần nào. https://saigonstevia.wordpress.com http://saigonstevia.blogspot.com http://facebook.com/saigonstevia
|